Sắp thanh tra hàng loạt doanh nghiệp ngành chăn nuôi

Lãnh đạo Cục Thú ý cho biết, dự kiến năm nay hàng chục doanh nghiệp liên quan đến nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật sẽ bị thanh tra.

Từ đầu năm đến nay, thị trường chăn nuôi ổn định, không phập phù như năm 2023 nên người chăn nuôi heo, gà rất phấn khởi. Tuy nhiên, “giá gà vừa lên thì gà thải loại lại tìm cách vào Việt Nam”, gây ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước.

Gà loại thải rầm rộ ở biên giới phía Nam

Tại cuộc họp giao ban khối chăn nuôi quý I của Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm, cho biết, tình trạng nhập gà lậu, đặc biệt là gà đẻ loại thải ở biên giới phía Nam vẫn đang diễn ra.

“Ước tính hiện nay, mỗi tuần chúng ta nhập lậu khoảng 60.000 con gà đẻ thải loại từ biên giới Việt – Lào, tương đương 240 tấn/tuần, trong đó, nhiều gà có nguồn gốc Thái Lan” – ông Sơn cho biết, đồng thời tiết lộ có tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng được nhập khẩu chính thức do có nuôi gà ở Thái Lan nhưng trà trộn thêm gà đẻ thải loại để đưa vào Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm đề xuất, cần kiểm soát ngăn chặn việc nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi cả chính ngạch và nhập lậu. Với nhập khẩu chính ngạch, hiện nay Bộ NN&PTNT đang giao Cục Thú y sửa đổi Thông tư 25/2016. Đây là cơ hội để rà soát lại và bổ sung thêm một số quy định chặt chẽ hơn đối với các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam khẳng định: “Chúng ta không thiếu thực phẩm, sản xuất trong nước đã đủ. Trong bối cảnh ngành chăn nuôi tăng trưởng từ 3 – 5%, trong khi đó dân số không tăng thì thực phẩm không sợ thiếu”.

Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng đây là những nút thắt cần tháo gỡ về cả trước mắt và lâu dài. Nếu không Việt Nam sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi.

Thanh tra hàng loạt doanh nghiệp

Về đề xuất thiết lập hàng rào kỹ thuật, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đã ký 19 hiệp định thương mại tự do (FTA). Luật Chăn nuôi cũng quy định nguyên tắc hoạt động chăn nuôi là đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tuân thủ điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang theo cơ chế thị trường và đề nghị các nước công nhận là nền kinh tế thị trường. Vì thế không thể đặt ra sân chơi riêng mà vi phạm hoặc xung đột với các điều ước đã ký kết.Cục trưởng Cục Thú y cũng cho hay, thực tế thời gian qua, chúng ta đã làm chặt một số quy định liên quan đến nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi. Đơn cử như năm 2023 Cục đã ban hành 145 văn bản gửi 58 quốc gia liên quan đến việc xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật vào Việt Nam, yêu cầu rà soát một cách toàn diện tất cả những hàng nhạy cảm, phức tạp. Trong 3 tháng đầu năm tiếp tục ban hành 120 văn bản gửi 50 quốc gia.

Cục Thú y cũng trình Bộ trưởng ký các quyết định thanh tra. Dự kiến năm nay hàng chục doanh nghiệp liên quan đến nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật sẽ bị thanh tra.

“Tuy nhiên, việc chúng ta làm chặt như vậy cũng dẫn đến phản ứng của các nước. Các nước đã phản ứng rằng tại sao Việt Nam đã tham gia WTO, ký kết 19 FTA… giờ tại sao Việt Nam lại làm khác và yêu cầu giải trình” – ông Long chia sẻ.

Về chống buôn lậu sản phẩm chăn nuôi, ông Long cũng chỉ ra một số bất cập. Đó là hiện nay chúng ta đang có Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam – Lào, trong đó quy định vật nuôi được sản xuất bởi cư dân tại các huyện biên giới của Lào được miễn tất cả các loại giấy phép, miễn kiểm dịch khi vào Việt Nam. Quy định này có nguy cơ tạo kẽ hở và cần được sửa đổi để bảo đảm an toàn đối với sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu từ Lào về Việt Nam.

“Ở trong nước, giữa tỉnh này và tỉnh kia đều yêu cầu phải kiểm dịch. Nhưng giữa Lào và Việt Nam lại không yêu cầu kiểm dịch, miễn hết giấy tờ. Vậy thì làm sao chúng ta ngăn được. Vì thế chúng tôi đã tham mưu lãnh đạo Bộ cử đầu mối làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao khẩn trương sửa hiệp định này. Bởi nếu không cẩn thận thì các sản phẩm chăn nuôi đi lòng vòng từ các nước như Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc… tập trung về Lào rồi vào Việt Nam thì không ngăn chặn được” – ông Long nói.

Bên cạnh đó, Cục trưởng Thú y cũng cho rằng cần sửa đổi các văn bản pháp luật, như Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, trong đó cho phép định kỳ, đột xuất đi thanh tra, kiểm tra dịch bệnh; bổ sung chỉ tiêu an toàn thực phẩm vào sản phẩm nhập khẩu.

AN HIỀN
Báo Pháp Luật

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *