Người nuôi bò BBB “treo chuồng” vì giá bán giảm

Nuôi bò BBB được xem là một trong những mô hình kinh tế đem lại thu nhập cao cho người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, từ hơn một năm nay, nhiều hộ chăn nuôi bò BBB  gặp khó do đầu ra hạn chế và giá bán giảm.

Đến gia trại nuôi bò BBB của ông Hoàng Trọng Vinh, ở xóm Tiền Phong, xã Khe Mo (Đồng Hỷ), chúng tôi thấy chủ nhà đang cặm cụi băm cỏ để ủ chua làm thức ăn cho bò. Hiện, ông Vinh đã ủ được khoảng 15 tấn cỏ. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là trong chuồng trại có quy mô 45 con bò của gia đình hiện lại đang để trống.Chia sẻ về điều này, ông Vinh cho biết: Cuối năm ngoái năm ngoái, gia đình tôi bán 6 con bò, trung bình mỗi con nặng 560 kg. Với giá bán 77 nghìn đồng/kg, nếu trừ hết chi phí giống, thức ăn, công chăm sóc và thuốc thú y thì sau 15 tháng chăn nuôi gần như không có lãi. Lo sợ giá bò thịt tiếp tục xuống thấp nên tôi không tái đàn luôn. Để tránh lãng phí diện tích cỏ đã trồng, tôi đã xử lý bằng men vi sinh để làm thức ăn dự trữ.

Cách nhà ông Vinh một quả đồi là trang trại nuôi bò BBB của anh Nguyễn Văn Quang, xóm Ao Rôm 2. Mấy ngày trước, gia đình ông vừa xuất bán 5 con bò và còn lại trong chuồng 11 con.

Anh Quang cho biết: Mặc dù giá bò thịt hiện tại vẫn giữ ở mức 77 – 78 nghìn đồng/kg nhưng lại khó bán hơn. Nếu như năm ngoái bò có trọng lượng từ 400kg trở lên thương lái đều thu mua hết thì nay nhiều con có trọng lượng tới 600-700kg nhưng nếu đánh giá còn non hoặc chăn nhiều cám công nghiệp thì họ sẽ không mua, hoặc mua với giá dưới 70 nghìn đồng/kg.

Theo anh Quang, một ngày trung bình 1 con bò ăn hết khoảng trên 50kg thức ăn thô xanh, 2 – 3 kg cám công nghiệp và một lượng phụ phẩm khác. Hiện trong chuồng vẫn còn 2 con nặng 700 kg nhưng chưa bán được do còn non. Với những con bò này nếu cho ăn như bình thường thì đến khi thương lái mua sẽ lỗ, vì thế gia đình chủ yếu cho bò ăn cỏ và hạn chế cám công nghiệp để giảm chi phí.

Không chỉ có các hộ chăn nuôi bò BBB cá thể gặp khó mà Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi bò BBB Thanh Bình, xã Minh Lập (Đồng Hỷ), cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Thay vì nuôi trên 1.000 con như khi mới thành lập (năm 2021) thì số lượng bò hiện tại của 32 thành viên trong HTX chỉ khoảng 200 con.

Ông Quách Thanh Bình, Giám đốc HTX, cho biết: So với các vật nuôi khác thì nuôi bò BBB mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Trước đây, khi thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán cao, các thành viên HTX đã đầu tư xây dựng chuồng trại, nuôi với số lượng lớn, có gia đình mỗi lứa nuôi cho thu nhập cả tỷ đồng. Nhưng từ năm 2023 đến nay, giá bò vào khoảng 70 – 75 nghìn đồng/kg, giảm khoảng 15 – 20 nghìn đồng/kg so với trước đó, trong khi bò lại khó tiêu thụ nên nhiều thành viên đã dừng nuôi hoặc giảm số lượng đàn.

Được biết, ông Bình ngoài vai trò là Giám đốc HTX chăn nuôi bò BBB Thanh Bình còn là một lái buôn bò có tiếng trong và ngoài tỉnh. Chia sẻ về việc bò khó tiêu thụ và giá giảm so với trước đây, ông Bình cho hay: Những năm trước, tôi thu mua toàn bộ bò của các thành viên rồi xuất bán sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch và các lò mổ ở ngoài tỉnh. Nhưng hơn một năm nay, việc xuất khẩu theo đường tiểu ngạch bị hạn chế nhiều, trong khi xuất khẩu chính ngạch gặp không ít khó khăn nên bò chủ yếu bán vào lò mổ. Cung vượt quá cầu nên các chủ lò mổ kén chọn, dẫn đến giá cũng giảm theo.

Để hạn chế rủi ro, thua lỗ cho người dân trong quá trình chăn nuôi bò BBB, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi thường xuyên theo dõi thị trường để có kế hoạch chăn nuôi phù hợp, tránh tình trạng giảm đàn, tái đàn ồ ạt. Đồng thời tăng cường hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ giống ngô sinh khối, phân bón và tập huấn kỹ thuật chế biến thức ăn tươi, ủ chua từ ngô sinh khối cho bò ăn; cắt giảm nguồn thức ăn công nghiệp và thay vào đó bằng các loại phụ phẩm trong nông nghiệp như rơm rạ, ngô, cây chuối…

Vũ Công
Nguồn: Báo Thái Nguyên

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *