Xác định khẩu phần tối ưu cho gà đẻ

Dinh dưỡng thích hợp cho gà đẻ là điều cần thiết để đảm bảo năng suất của chu kỳ nuôi.

Chăm sóc tốt gà mái tơ

Điều quan trọng là làm cho con gà mái tơ khỏe mạnh, có chất lượng tốt với nguồn dự trữ của cơ thể đủ để duy trì nhu cầu sản xuất trứng cao. Trong giai đoạn phát triển, khối lượng cơ thể và sự đồng đều về khối lượng cơ thể là những công cụ tốt nhất để quản lý chương trình dinh dưỡng và đảm bảo sự phát triển của những con gà mái tơ. Do đó, khối lượng cơ thể của những con gà mái tơ nên được theo dõi bằng cách cân khối lượng chúng thường xuyên. Các nhà sản xuất gà mái tơ bắt đầu cân chúng ở 2 tuần tuổi và cân mỗi tuần sau đó. Các biện pháp giúp tăng khối lượng cơ thể là cần thiết để có thể khắc phục những vấn đề về tăng trưởng và giúp xác định khi nào nên thay đổi khẩu phần ăn.

Trong một vài trường hợp, khẩu phần ăn thay đổi đã được cho ăn ở 3 tuần tuổi tuy nhiên khối lượng cơ thể của gà vẫn thấp hơn chỉ tiêu thì khẩu phần ăn này nên được cho ăn thêm 1 hoặc 2 tuần nữa, cho đến khi khối lượng mục tiêu theo độ tuổi được đáp ứng. Ngược lại, khẩu phần ăn có thể được chuyển đổi sớm hơn nếu các con gà mái tơ đạt được khối lượng chỉ tiêu sớm hơn.

Trường hợp những con gà mái tơ không đạt được khối lượng cơ thể ở mức mong muốn thì các thành phần trong khẩu phần ăn nên được so sánh với các khuyến cáo dành cho gà giống. Nếu không có sự khác biệt rõ ràng để giải thích tốc độ tăng trưởng giảm (lưu ý không có vấn đề gì trong quản lý hoặc tình trạng sức khỏe), thì tốc độ tăng trưởng của cơ thể có thể tăng lên bằng cách tăng năng lượng của khẩu phần ăn. Vào những giai đoạn thời tiết nóng, khi lượng tiêu thụ thức ăn thấp thì các thành phần dinh dưỡng (axit amin, axit béo, khoáng chất và vitamin) có thể cần phải được tăng lên để tăng tốc độ tăng trưởng.

Chế độ ăn hợp lý cho gà đẻ

Khẩu phần đầu tiên được cho ăn khi gà mái bắt đầu đẻ trứng là rất quan trọng để duy trì khối lượng cơ thể, đáp ứng nhu cầu sản xuất trứng và cũng để đảm bảo gà mái có sức sản xuất lâu hơn. Do đó, khẩu phần đầu tiên cho gà đẻ nên có dinh dưỡng đậm đặc hơn, thường yêu cầu mức bổ sung tương đối cao của dầu, axit amin tiêu hóa, canxi và phốt pho khả dụng.

Khẩu phần đầu tiên được cho ăn từ khi bắt đầu đẻ nhưng giai đoạn cho ăn thì tương đối ngắn (từ khi đẻ đến khi mức tiêu thụ thức ăn quan sát đã tăng thêm 5 – 10 g/ngày), thường xảy ra vào khoảng 26 – 27 tuần tuổi. Khi đó, khẩu phần 1 có thể được điều chỉnh lại để tận dụng những ưu thế của việc tăng lượng ăn vào. Khẩu phần thứ 2 nên được xây dựng với cách thức tương tự hoặc ít hơn một chút (0,1 MJ/kg hoặc 25 kcal/kg) so với khẩu phần ăn 1. Điều đó có nghĩa là khẩu phần ăn thứ 2 ít dưỡng chất hơn và do đó, ít tốn kém hơn. Nếu muốn có một chương trình kiểm soát khối lượng trứng chủ động thì có thể bắt đầu ở độ tuổi này bằng cách giảm lượng tiêu thụ axit amin và bổ sung chất béo cho gà mái.

Khẩu phần ăn tiếp theo được xây dựng sau khi lượng ăn vào tăng thêm 5 g/ngày, thường xảy ra vào khoảng 36 – 37 tuần tuổi và do đó khẩu phần ít dinh dưỡng hơn khẩu phần ăn 2. Lượng ăn vào thường không thay đổi nhiều sau thời gian này.

Khẩu phần 4 nhằm mục đích kiểm soát khối lượng trứng (bằng cách giảm hàm lượng axit amin và chất béo), duy trì chất lượng vỏ trứng (bằng cách tăng canxi và giảm phốt pho).

Lưu ý, để tránh những thay đổi quá đột ngột khi thay đổi khẩu phần có thể gây ra như sự giảm tiêu thụ thức ăn tạm thời, nên thay đổi hàm lượng năng lượng giữa các khẩu phần ăn khác nhau trong các giai đoạn không quá 0,10 MJ/kg hoặc 25 kcal/kg mỗi tuần. Tương tự, hàm lượng chất dinh dưỡng không nên thay đổi nhiều hơn khoảng 5% mỗi tuần (Ví dụ: từ 0,90 – 0,86% lysine), có nghĩa là cần thay đổi nhiều khẩu phần ăn trong vài tuần nếu muốn giảm năng lượng hoặc chất dinh dưỡng nhiều hơn.

Nguồn: Tạp chí Người Chăn nuôi

Chia sẻ
Facebook Zalo Skype Twitter Linkedin Youtube