Ảnh hưởng của các nguồn Biochar trong khẩu phần lên sinh trưởng, sinh lý sinh hóa máu và mật số vi khuẩn trong phân gà nòi

Tóm tắt

Một thí nghiệm (NT) được tiến hành để đánh giá ảnh hưởng các nguồn biochar khác nhau trong khẩu phần trên 320 gà Nòi từ 5 đến 14 tuần tuổi. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 5 nghiệm thức (NT) là: đối chứng (không có biochar) và 4 NT có bổ sung 4 loại biochar lần lượt là thân bắp (BiTB), gáo dừa (BiGD), lục bình (BiLB) và trấu (BiT) với mức độ 1% trong khẩu phần, lặp lại bốn lần.

Kết quả chỉ rằng các nguồn biochar khác nhau trong khẩu phần đã ảnh hưởng lên khối lượng gà cuối TN, gà nuôi khẩu phần BiT có khối lượng cao hơn các NT khác (P=0,02), vì thế NT BiT cũng có tăng khối lượng cao nhất. Các nguồn biochar khác nhau không ảnh hưởng lên lượng ăn vào và chuyển hóa thức ăn, số lượng hồng cầu, bạch cầu; tuy nhiên hàm lượng hematocrit cao hơn ở các NT có bổ sung biochar. Gà nuôi các khẩu phần có biochar đã giảm có ý nghĩa hàm lượng cholesterol, HDL và LDL-cholesterol cũng như số lượng vi khuẩn E. coli. Biochar được sản xuất từ trấu có ảnh hưởng tốt nhất lên khối lượng gà cuối TN.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Việc bổ sung kháng sinh trong vào trong thức ăn chăn nuôi đã được phổ biến rộng rãi trong ngành chăn nuôi gia cầm trên toàn cầu hơn 60 năm, làm giảm tải vi khuẩn gây bệnh, cải thiện sự tăng trưởng và hiệu quả chuyển đổi thức ăn (Castanon, 2007). Lượng kháng sinh trong chăn nuôi được dự kiến sẽ tăng 67% trong giai đoạn 2010-2020 nếu không có hành động nào được thực hiện ở các nước đang phát triển hiện không được kiểm soát (Van Boeckel và ctv, 2015).

Lo ngại về sự xuất hiện của mầm bệnh kháng kháng sinh đã dẫn đến việc cấm sử dụng kháng sinh không điều trị trong chăn nuôi ở châu Âu (Huyghebaert và ctv, 2011). Vì vậy, ngành chăn nuôi gia cầm cần xác định các giải pháp thay thế làm giảm tải mầm bệnh trong khi vẫn đảm bảo được lợi ích tăng trưởng và hiệu suất liên quan đến việc không sử dụng kháng sinh trong thức ăn. Một trong những giải pháp đó là áp dụng biochar vào trong khẩu phần ăn thường xuyên để cải thiện sức khỏe động vật, tăng hiệu quả hấp thụ chất dinh dưỡng và sau đó là sự kháng bệnh của vật nuôi.

Có nhiều ứng dụng tiềm năng của than sinh học trong chăn nuôi động vật như là một chất hấp phụ các độc tố nấm mốc (Gerlach và Schmidt, 2014; Phạm Ngọc Thảo Vy, 2019). Nguyen Ngoc Hien và ctv (2018) báo cáo rằng áp dụng biochar vào khẩu phần của gà nòi lai đã cải thiện được sinh trưởng và giảm được vi khuẩn E. coli trong phân gà.

Biochar được sản xuất bằng phương pháp nhiệt phân không hoàn toàn trong điều kiện yếm khí các vật liệu hữu cơ như gỗ, rơm, phân chuồng, phụ phẩm cây trồng sau thu hoạch. Tùy thuộc vào nguyên liệu thức ăn và điều kiện nhiệt phân, than sinh học chứa từ 40-80% carbon, 0,1-0,8% nitơ, 1-2% kali, 5-6% canxi và có thể có khả năng trao đổi ion 25-150 cmol+/ kg (Lehmann và Joseph, 2009). Saletnik và ctv (2016); Tomczyk và ctv (2020) đã tổng kết rằng các đặc tính và thành phần hóa học của biochar phụ thuộc vào quá trình nhiệt phân và nguồn nguyên liệu sản xuất. Theo Loc và ctv (2018), biochar có nguồn gốc khác nhau, có các đặc tính lý hóa khác nhau, biochar sản xuất từ loại thân gỗ như tràm hay tre thì có hàm lượng tro thấp, hàm lượng carbon cố định cao hơn biochar sản xuất từ vỏ trấu hay lục bình.

Do đó, mục tiêu của đề tài là bổ sung các nguồn biochar được sản xuất từ các nguyên liệu có sẵn tại địa phương vào khẩu phần của gà Nòi bằng phương pháp nhiệt phân tại nông hộ, qua đó đánh giá ảnh hưởng của chúng đến năng suất sinh trưởng, các thông số sinh lý, sinh hoá máu cũng như mật độ của vi khuẩn và ký sinh trùng trong phân trên gà Nòi.

 KẾT LUẬN

Bổ sung các loại biochar khác nhau trong khẩu không ảnh hưởng âm tính lên sinh trưởng của gà Nòi, biochar được sản xuất từ trấu có ảnh hưởng tốt nhất. Biochar không ảnh hưởng lên số lượng hồng cầu hay bạch cầu, nhưng làm giảm cholesterol huyết tương và mật số của vi khuẩn E. coli trong phân gà.

Nguồn: Nguyễn Thùy Linh1*, Nguyễn Thị Kim Đông2, Nguyễn Văn Thu3 và Nhan Hoài Phong1

1 Trường Đại học Trà Vinh
2 Trường Đại học Tây Đô
3 Trường Đại học Cần Thơ
* Tác giả liên hệ: TS. Nguyễn Thùy Linh 

Chia sẻ
Facebook Zalo Skype Twitter Linkedin Youtube